Hội thảo quốc tế giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp 2023
Trong hai ngày 15-16/04/2023, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy Tiếng Anh (VietTESOL) tổ chức Hội thảo quốc tế giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp 2023 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, với chủ đề: “Giảng dạy Tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp: Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (EOP Education: Meeting the needs of the demanding labor market)”.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo quốc tế giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp 2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, quy tụ hơn 100 bài báo cáo tóm tắt của 158 tác giả đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Vương Quốc Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Hồng Kông, Thái Lan, Phi-lip-pin, Pakistan, Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả chính là các học giả, chuyên gia nổi tiếng trong ngành đến từ các trường đại học lớn như TS. Craig Lambert (Đại học Curtin, Úc), TS. Vũ Thị Thanh Nhã (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Đỗ Thị Huyền Thanh (Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) và các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy Tiếng Anh uy tín như Hội đồng Anh (BC) và văn phòng Tiếng Anh khu vực Hà Nội (RELO) thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp chia sẻ: Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường đại học công lập có truyền thống và lịch sử 125 hình thành và phát triển. Nhà trường đang đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ với hơn 32.000 sinh viên và 1.400 cán bộ, giảng viên. Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, du lịch và ngôn ngữ. Để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nhà trường luôn quan tâm và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, đăc biệt là Tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì thế, Trường rất vinh dự khi được đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế này.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực sử dụng Tiếng Anh trong thời đại khu vực hóa và quốc tế hóa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thâm chí 5.0. Hội thảo này là một diễn đàn bổ ích để chia sẻ phương pháp giảng dạy, kết quả nghiên cứu về giảng dạy Tiếng Anh định hướng nghề nghiệp/chuyên ngành.
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tặng hoa tri ân cho đại diện các cơ quan đồng tổ chức, phối hợp và nhà tài trợ của Hội thảo
Tiếp đó, tại phiên báo cáo toàn thể, TS. Đỗ Thị Huyền Thanh, Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh đã trình bày kết quả đề án “Ứng dụng phương pháp học kết hợp – blended learning – trong đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đề án xuất phát từ xu hướng chuyển đổi số, sự dịch chuyển trong đào tạo Tiếng Anh toàn cầu (Global English) và mục tiêu đào tạo Tiếng Anh đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Kết quả cho thấy, sau khi áp dụng các giải pháp đồng bộ từ phân tích nhu cầu các bên liên quan, bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, cải thiện môi trường học và các điều kiện dạy học, trên 90% sinh viên Nhà trường không còn nợ môn Tiếng Anh khi tốt nghiệp và 75% trong số đó đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ của các nhà tuyển dụng.
TS. Đỗ Thị Huyền Thanh, Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh trình bày kết quả đề án “Ứng dụng phương pháp học kết hợp – blended learning – trong đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội"
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang, Quy Nhơn, Cần Thơ, Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… Đặc biệt, trong khuôn khổ hội thảo còn có Tọa đàm trao đổi giữa Ban Quẩn lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và đại diện các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề về thực trạng và các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Anh đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Các phiên song song tại Hội thảo
Không gian giới thiệu mô hình đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp
Hội thảo Quốc tế EOP 2023 là diễn đàn chuyên môn sâu rộng kết nối và chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như góc nhìn đa dạng trong đào tạo tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn ngoại ngữ đầu ra và ngành nghề đào tạo, từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Với nhiều nội dung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hấp dẫn, sát thực tiễn dạy và học tiếng Anh gắn với ngành nghề đào tạo trong nước và trên thế giới, Hội thảo đã đóng góp nhiều giải pháp mới, chuyên sâu, phù hợp với xu thế đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hướng đến sự phát triển và hội nhập trong kỉ nguyên số.
Đại biểu tham gia Hội thảo chụp hình lưu niệm
Thứ Bảy, 12:04 15/04/2023
Copyright © 2022 Trường Ngoại ngữ - Du lịch || School of Languages and Tourism