Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về chủ đề Lãnh đạo, chia sẻ tri thức và Đổi mới sáng tạo
Sáng ngày 04/04/2023, Hội đồng nghiệm thu Trường Đại học Công nghiệp Hà Hội đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường với chủ đề “Tác động của lãnh đạo và văn hóa tổ chức đến khả năng đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực du lịch: Vai trò trung gian của chia sẻ tri thức” do PGS.TS Lê Ba Phong làm Chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng nghiệm thu với tinh thần làm việc khách quan và nghiêm túc do TS. Thân Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng và các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài trường (gồm PGS.TS Lê Thái Phong, TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, TS. Nguyễn Bích Phượng, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh, TS. Bùi Thị Thu Loan và ThS. Trịnh Thị Thu Hương) đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu đạt được của nhóm tác giả và khẳng định những đóng góp mới có giá trị ở góc độ lý luận và thực tiễn của đề tài về giải pháp để tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt gắn với bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch.
PGS.TS. Lê Ba Phong - Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo trước Hội đồng
Trong những năm gần đây, Việt Nam được thế giới biết đến như một thị trường mới nổi, năng động với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, đạt xấp xỉ 6,8% giai đoạn 2016 – 2019. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn đều suy giảm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,91% năm 2020, 2,58% năm 2021, 8,02% năm 2022 và trở thành một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới trong giai đoạn hậu Covid-19. Dẫu vậy, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn và được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước tăng trưởng và phát triển ổn định, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khách sạn nói riêng phải không ngừng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ nhằm thích ứng tốt với những biến chuyển nhanh chóng của môi trường kinh tế - xã hội, công nghệ, nhu cầu khách hàng, tình thế cạnh tranh và xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo, nguồn lực tri thức và văn hóa tổ chức được coi là những nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động và khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, dẫu vậy vẫn còn tồn tại những khoảng trống lý thuyết và thực tiễn về mối quan hệ giữa các nhân tố tiền đề quan trọng này đối với khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Du lịch – khách sạn. Trên cơ sở nhận thức được khoảng trống nghiên cứu và sự cần thiết phải nâng cao hiểu biết về các nhân tố tiền đề và điều kiện thích hợp, có tác động tích cực đến khả năng đổi mới, PGS.TS Lê Ba Phong và nhóm nghiên cứu đã tổng quan có hệ thống các công trình nghiên cứu tiêu biểu, được xuất bản trên các tạp chí uy tín (thuộc danh mục ISI/Scopus) và đề xuất mô hình nghiên cứu phản ánh mối quan hệ giữa lãnh đạo chuyển đổi, hoạt động chia sẻ tri thức, văn hóa định hướng tri thức và khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch.
Mô hình nghiên cứu đề xuất của tác giả
Việc nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm các giả thuyết được phát triển trong mô hình nghiên cứu của đề tài này đã góp phần khỏa lấp các khoảng trống lý thuyết về mối quan hệ giữa lãnh đạo chuyển đổi, chia sẻ tri thức và khả năng đổi mới của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn trong mối tương quan với một mô hình văn hóa tổ chức đặc thù đó là văn hóa định hướng vào tri thức. Nghiên cứu cũng giúp lãnh đạo trong các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn của Việt Nam có được căn cứ xác đáng nhằm theo đuổi và tăng cường khả năng đổi mới của doanh nghiệp trong dài hạn. Những đóng góp có giá trị của nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn thể hiện ở một số điểm chính sau:
Thứ nhất, đóng góp đầu tiên và quan trọng của nghiên cứu đó là lấp đầy những khoảng trống lý thuyết về mối quan hệ giữa lãnh đạo chuyển đổi, chia sẻ tri thức và khả năng đổi mới của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy cả lãnh đạo chuyển đổi, hành vi chia sẻ tri thức ẩn và hành vi chia sẻ tri thức hiện đều có tác động tích cực đến khả năng đổi mới của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Tuy nhiên chia sẻ tri thức hiện tạo ra những tác động lớn hơn khả năng đổi mới so với tác động của chia sẻ tri thức ẩn đến khả năng đổi mới. Kết quả nghiên cứu này đã mang đến những hiểu biết sâu sắc hơn cho nhà quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch, khách sạn về cách thức và con đường mà họ có thể vận dụng, cũng như chiến lược mà họ ưu tiên theo đuổi để tăng cường khả năng đổi mới cho doanh nghiệp.
Thứ hai, nghiên cứu tiến hành khám phá, xây dựng và phản ánh mối quan hệ đồng thời giữa lãnh đạo chuyển đổi, chia sẻ tri thức, văn hóa định hướng tri thức và khả năng đổi mới của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn thông qua một mô hình lý thuyết hoàn chỉnh nhằm kiểm tra vai trò trung gian của chia sẻ tri thức và vai trò điều tiết của văn hóa định hướng tri thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy thông qua những đặc tính ưu việt như: (1) ảnh hưởng về mặt lý tưởng, (2) khả năng truyền cảm hứng đến nhân viên, (3) khả năng khơi dậy và kích thích trí tuệ của nhân viên, và (4) sự quan tâm hỗ trợ sâu sắc đến từng nhân viên, các nhà lãnh đạo chuyển đổi đã tác động tích cực đến hành vi chia sẻ tri thức, đặc biệt là hành vi chia sẻ tri thức ẩn, qua đó tác động tích cực đến khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chứa đựng hàm ý quan trọng rằng: thực hành lãnh đạo chuyển đổi trong quản trị doanh nghiệp du lịch, khách sạn có thể giúp các nhà quản trị khơi dậy được động lực làm việc cho nhân viên, thúc đẩy nhân viên chủ động chia sẻ những thông tin và kiến thức ẩn và hiện có giá trị với nhau, qua đó không ngừng nâng cao hiệu suất làm việc của cá nhân và tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Thứ ba, để các doanh nghiệp du lịch, khách sạn vừa và nhỏ Việt Nam có thể tạo dựng và tăng cường khả năng đổi mới, bên cạnh việc thực hành phong cách lãnh đạo chuyển đổi và tăng cường các hoạt động chia sẻ tri thức của nhân viên, các CEOs và giám đốc các doanh nghiệp du lịch, khách sạn cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển một bầu văn hóa định hướng vào tri thức. Việc khơi dậy và hình thành một mô hình văn hóa định hướng tri thức sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch khách sạn thúc đẩy các quá trình thu thập, chia sẻ và áp dụng tri thức trong tổ chức, qua đó tăng cơ hội cho đổi mới do văn hóa định hướng tri thức giúp cải thiện năng lực marketing, năng lực tổ chức quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật, uy tín và hình ảnh, trình độ tổ chức và phục vụ khách, chất lượng dịch vụ và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn.
Trên tinh thần nhất trí cao 100% nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu đã đồng ý thông quan đề tài với số phiếu tán thành 7/7 thành viên. Hội đồng chúc mừng nhóm nghiên cứu đã bảo vệ thành công đề tài. PGS.TS. Lê Ba Phong đại diện nhóm nghiên cứu cảm ơn những ý kiến nhận xét và đóng góp quý báu của các nhà khoa trong Hội đồng, giúp cho nhóm nghiên cứu có căn cứ để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của nghiên cứu hiện tại cũng như những nghiên cứu trong tương lai.
Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu
Thứ Ba, 12:45 04/04/2023
Copyright © 2022 Trường Ngoại ngữ - Du lịch || School of Languages and Tourism