Ngoại ngữ trong tôi - Giảng viên Bùi Thị Thu Giang

[NGOẠI NGỮ TRONG TÔI LÀ...]

Giảng viên: Bùi Thị Thu Giang

"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn..."
Đó là những câu thơ ta thường nghĩ đến mỗi khi rời xa một nơi nào đó thân quen, mà không hề hay biết rằng hồn ta đã gửi gắm cho những con người và mảnh đất đó tự lúc nào.
10 năm trôi qua như những trang sách về những kỷ niệm không thể nào quên cùng đồng nghiệp và 14 đứa con tinh thần của FFL.
Khóa 1: Trang nhất của cuốn sách đánh dấu ngày tiễn đứa con tinh thần đầu tiên bằng sự ngơ ngác của cô giáo mới khi được sinh viên nhờ một câu ngon lành "Cậu mặc hộ tớ cái áo với" (là cái áo cử nhân lúc lên trao bằng) và những giọt nước mắt của cô giáo chủ nhiệm của khóa mà lúc ấy cô giáo mới còn quá non để hiểu được những xúc cảm ẩn sâu bên trong.
Khóa 2: Lớp học trò đầu tiên khiến cô giáo tò te thấy tim đập tay run vì 23 năm cuộc đời chưa bao giờ nghĩ sau này mình sẽ dạy học sinh...cao to nhiều hơn mình và quá gần tuổi mình như vậy. Cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến Khóa 2, trong đầu vẫn là hình ảnh của những cô cậu học trò cao như diễn viên quảng cáo viên uống tăng chiều cao của Mỹ.
Khóa 3: Lúc này chiều cao của các trò đã bắt đầu có chiều hướng giảm đi (hoặc là do cô cao lên), tim cô đã bớt đập mạnh và tự tin hơn. Nhớ có lần tự tin bước vào lớp, đi gần tới bàn giáo viên rồi mà vẫn không ai đứng lên chào, rồi sau vài giây nhận ra không phải là bạn nào lớp khác vào mượn giẻ lau bảng hay xin phấn thì cả lớp mới đứng dậy: "Ớ, cô giáo mày ơi. Good morning, teacher!"
Khóa 4: Đến thời điểm này, rào cản về chiều cao đã được xóa bỏ. Các trò như những đứa em (mặc dù đến bây giờ vẫn không ai dám gọi là chị) nhẹ nhàng và tình cảm. Ngày cô lặng lẽ cưới, mấy đứa đã âm thầm tự tay chuẩn bị một tấm thiệp chúc mừng và để lại bút tích của cả bằng ấy thành viên, chỉ thiếu mấy cái dấu vân tay ở đó nữa là đủ combo nhận dạng.
Khóa 5: Những đứa trẻ hồn nhiên, tinh nghịch và những vở diễn xuất thần trong môn “Kỹ năng làm việc” mà bây giờ nghĩ lại thấy tiếc vô cùng vì đã không lưu lại được những khoảnh khắc mấy đứa đội tóc giả, vác bụng bầu và mang trên mình bộ trang phục sọc trắng đen như đi casting cho phim Prison Break. Cô cũng sẽ không bao giờ quên đôi giầy đáng yêu và những thứ nhỏ xinh mà mấy đứa đã tặng cho cái quả bóng trong bụng cô mà bây giờ nó đã gần 8 tuổi.
Khóa 6: Lớp học trò ngoan vô đối và chưa từng tạo ra sóng gió nào cho các cô. Mấy đứa hiền từ cái tên đến cái nết, nào Hiền, nào Thiện, nào Quyết, nào Nguyệt, Vương, Hương, Tươi,... Chỉ tiếc là năm ấy cô phải thực hiện thiên chức nên các bé không phải qua tay cô nhiều.
Khóa 7: Sự tinh nghịch và năng khiếu nghệ thuật từ các anh chị Khóa 5 di truyền lại và nâng lên một tầm cao mới thành sự láu cá và diễn sâu. Có lần diễn kịch xung quá, cái gậy đạo cụ trên tay nữ cảnh sát hạ cánh ngay trên trán của một diễn viên quần chúng làm con bé xuýt phải xuống phòng y tế. Không những thế, buổi cuối cùng lên lớp, mấy đứa còn tung hẳn MV và ghi lưu bút tạm biệt cô. Không hiểu sao lúc ý cô cứ nghĩ đến bài "Khi người đàn ông khóc" của Lý Hải.
Khóa 8: Khóa đầu tiên chứng minh cho cô thấy làm giáo viên chủ nhiệm của hội Boys over Flowers là một nhiệm vụ khó nhằn như thế nào. Được cái Vườn sao băng phiên bản FFL-HaUI lại kết thúc có hậu và biến A2 thành một match maker không thể có duyên hơn.
Khóa 9: Một lớp học trò làm cô thường liên tưởng đến hình sin trong toán học mỗi lần nghĩ đến. Điểm cực tiểu là những buổi chiều thứ 6 dạy 4 tiết cuối môn nghe nói với sự xuất hiện đều như vắt chanh của 6 thành viên với lý do là hơn chục thành viên còn lại còn bận về quê. Còn điểm cực đại là những tháng ngày phiêu diêu Văn học Anh Mỹ cùng mấy đứa nhỏ khiến cô đi dạy mà như được xem phim chúng diễn, và ngắm chúng ngồi làm bài kiểm tra văn học mà thần thái như đang thả hồn làm thơ.
Khóa 10: Chưa một khóa nào lại lấy đi nhiều năm tháng thanh xuân của cô như khóa này (hoặc là ngược lại). Nhiều đến mức có cô trò nhỏ mon men lên xin cô "Cô có thể cho em học cô khác hoặc là cô dạy môn khác đi được không ạ?" Rồi không hiểu cái duyên số nó vồ lấy nhau kiểu gì mà trước học kỳ cuối, con bé gặp cô ngoài hành lang, vui mừng thông báo "Kỳ này em ko học cô nữa cô ạ" và rồi đến lúc điểm danh...cô trò chỉ biết nhìn nhau và nở một nụ cười "an phận".
Khóa 11: Những học trò có khả năng truyền thông điệp qua ánh mắt, sở hữu sự hồn nhiên và những khoảnh khắc háo hức như những đứa trẻ, và là những học trò đầu tiên làm cô nhận ra rằng có những lúc mình không mạnh mẽ như mình vẫn tưởng.
Khóa 12: Lớp học trò đầu tiên chính thức đưa cô lên một level mới: mama. Cuối cùng sau 11 năm thì cũng được làm mẹ của những đứa con 21 tuổi. Những đứa con nhiều đam mê nghệ thuật, lém lỉnh, vô tư, đáng yêu và lầy lội như mama của chúng.
Khóa 13: Sau 5 năm tạm gác kiếm chủ nhiệm, các bé K13 lại một lần nữa triệu hồi. Lịch sử Vườn sao băng lặp lại với con số khủng gần gấp đôi và hack não các cô nhiều hơn. Thật may dương thịnh nhưng âm không suy nên vườn sao băng vẫn rực rỡ.
Khóa 14: Bộ gen chiều cao vượt mức trung bình của các anh chị K2 lại trội trở lại. Lên lớp mà cô có cảm giác như đang làm khán giả của Next Top Model. Đến giờ này thì tim đập tay run là do tuổi già sức yếu, ko phải do chiều cao của các bé nữa. Trộm vía, đứa nào cũng kute - nó tả giờ ngữ âm của cô vui vì "toàn âm thanh lạ". Chết giở, nghe vậy thế nào cô lại cứ tưởng tượng ra âm thanh trong mấy lễ hội của thổ dân da đỏ cơ chứ.
...
Chuyện về FFL kể hết phải thành tiểu thuyết. Chỉ mong những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết ấy luôn an nhiên và hạnh phúc trong cuộc đời này!
Mãi yêu!

Ngoại ngữ trong tôi- Giảng viên Bùi Thị Thu Giang

  • Thứ Năm, 10:17 28/04/2022