Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp năm 2025
Trong hai ngày 11 - 12/4/2025, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ năm về đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp với chủ đề: “Định hướng EOP: Phát triển năng lực giao tiếp chuyên môn trong bối cảnh toàn cầu hoá”.
Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu là các chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng với sự tham gia của học viên sau đại học, nghiên cứu sinh và sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh đến từ nhiều đơn vị giáo dục và tổ chức đào tạo trong và ngoài nước.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp năm 2025
Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp năm 2025 là sự kiện học thuật thường niên do Trường Ngoại ngữ - Du lịch phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Phân hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh VietTESOL tổ chức. Hội thảo hướng tới mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, mở rộng hợp tác và chia sẻ thực tiễn trong đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Thúy Nga – Trưởng Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ – Du lịch phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thúy Nga – Trưởng Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ – Du lịch khẳng định, Hội thảo EOP 2025 là dịp để giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên cùng nhau trao đổi các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động toàn cầu. PGS.TS. Nguyễn Thúy Nga bày tỏ kỳ vọng, thông qua các tham luận và thảo luận chuyên đề, hội thảo sẽ mang đến những góc nhìn hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo tiếng Anh gắn với chuyên ngành tại các cơ sở giáo dục. PGS.TS Nguyễn Thúy Nga cho biết, hiện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang triển khai đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp cho hơn 30.000 sinh viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc tổ chức hội thảo không chỉ thể hiện định hướng đổi mới của Nhà trường mà còn là cơ hội để chia sẻ những mô hình đào tạo đang được áp dụng hiệu quả, giúp kết nối cộng đồng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định vai trò thiết yếu của việc giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng và chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường lao động quốc tế. Năng lực sử dụng tiếng Anh chuyên ngành không chỉ là chìa khóa giúp người học gia tăng cơ hội nghề nghiệp mà còn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Hội thảo EOP 2025 là diễn đàn thiết thực để các nhà quản lý, giảng viên và nhà nghiên cứu cùng chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các phương pháp và mô hình giảng dạy mới nhằm phát triển chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tiễn của từng lĩnh vực nghề nghiệp.
Bà Mary Beth Polley - Tham tán Văn hóa - Giáo dục, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ghi nhận sự đóng góp tích cực của Trường Ngoại ngữ – Du lịch, Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh VietTESOL trong việc thúc đẩy đổi mới đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam thời gian qua, bà Mary Beth Polley – Tham tán Văn hóa – Giáo dục, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các bên. Bà cho rằng những hoạt động học thuật như chuỗi hội thảo EOP không chỉ góp phần phát triển chuyên môn cho đội ngũ giảng dạy, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các chương trình hợp tác giáo dục trong tương lai.
Hội thảo đã nhận được 120 bài tóm tắt từ các học giả trong và ngoài nước. Sau quá trình chọn lọc, xem xét, và phản biện nghiêm túc, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 06 bài workshop trình bày tại phiên tiền hội thảo, 02 bài trình bày tại các phiên toàn thể và 30 bài trình bày tại các phiên thảo luận song song. Ngoài ra, 77 bài nghiên cứu chất lượng cao đã được chọn lọc, phản biện để đăng tải trong ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí quốc tế về Giáo dục và TESOL (International Journal of TESOL and Education) và kỷ yếu có chỉ số ISBN của các Nhà Xuất Bản uy tín trong nước.
Ông Dieter Bruhns - Chuyên gia Giảng dạy tiếng Anh (English Language Fellow), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trình bày báo cáo phiên toàn thể
Trình bày báo cáo phiên toàn thể với chủ đề “Cross-Cultural Competence for a Globalized Workforce”, ông Dieter Bruhns - chuyên gia giao tiếp liên văn hóa đến từ Hoa Kỳ nhấn mạnh vai trò then chốt của năng lực giao tiếp liên văn hóa trong môi trường làm việc toàn cầu, đồng thời giới thiệu mô hình "Tảng băng văn hóa" như một công cụ trực quan, hỗ trợ giảng viên và người học nhận diện sâu sắc hơn về giá trị, hành vi và những khác biệt ẩn dưới bề mặt của các nền văn hóa.
GS.TS Averil Coxhead - Giảng viên cao cấp tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand) trình bày báo cáo phiên toàn thể
Cũng tại phiên toàn thể, GS.TS Averil Coxhead - giảng viên cao cấp tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand) mang đến những phân tích chuyên sâu qua bài phát biểu với chủ đề “Challenges and Principles for Vocabulary for EOP”. Nội dung nghiên cứu tập trung vào các đặc điểm ngôn ngữ của từ vựng chuyên ngành trong EOP, đồng thời đề xuất những nguyên tắc sư phạm hiệu quả để giảng dạy từ vựng trong các bối cảnh nghề nghiệp cụ thể.
Hội thảo EOP 2025 diễn ra sáu phiên thảo luận song song trong hai ngày làm việc, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu và giảng viên trong và ngoài nước. Hơn 30 bài báo cáo được trình bày, tập trung vào các chủ đề thiết thực trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp. Các báo cáo đề cập đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực giảng viên, cũng như cập nhật các xu hướng đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động hiện đại.
Trước đó, trong buổi sáng ngày 11/4/2025, Hội thảo đã diễn ra Workshop tiền hội thảo với 06 bài báo cáo với các chủ đề về ứng dụng AI trong đánh giá kỹ năng nói, học tập ảo trong đào tạo chuyên ngành, và thúc đẩy hòa nhập qua giáo dục ngôn ngữ.
Hội thảo EOP 2025 không chỉ khép lại chuỗi hội thảo khoa học ý nghĩa, mà còn đánh dấu chặng đường ba năm Trường Ngoại ngữ - Du lịch và các đơn vị đồng hành cùng cộng đồng chuyên môn trong chuỗi hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp. Ba năm - ba kỳ hội thảo là ba diễn đàn học thuật cởi mở, nơi các giảng viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong và ngoài nước cùng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam.
Sau ba năm tập trung khai thác các khía cạnh thực tiễn trong đào tạo tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp, Trường Ngoại ngữ – Du lịch tiếp tục mở rộng không gian học thuật với một chủ đề mới: BLEND – Bilingualism, Linguistics, and Education Nexus Development. Hội thảo năm tới được kỳ vọng sẽ tạo nên diễn đàn trao đổi đa chiều về mối liên hệ giữa song ngữ, ngôn ngữ học và giáo dục, góp phần thúc đẩy tư duy đổi mới và sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu, giảng viên và cộng đồng học thuật trong và ngoài nước.
Thứ Bảy, 13:02 12/04/2025
Copyright © 2022 Trường Ngoại ngữ - Du lịch || School of Languages and Tourism