Sinh viên ngành Ngôn ngữ học tham gia tọa đàm thực tiễn về trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Sáng nay, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức buổi toạ đàm Phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ với sự tham gia của diễn giả khách mời TS. Nguyễn Thị Giang – Quản lí bộ phận Trị liệu ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Buổi toạ đàm đã giúp sinh viên trau dồi thêm kiến thức về trẻ rối loạn phổ tự kỉ, biện pháp và thực hành kĩ năng phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Nội dung này góp phần định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành ngôn ngữ học trong tương lai.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi toạ đàm có PGS.TS. Lê Thị Lan Anh - Trưởng khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cùng các giảng viên trong khoa và toàn bộ sinh viên khoá 18, 19 ngành Ngôn ngữ học.
TS. Nguyễn Thị Giang chia sẻ trong những năm vừa qua số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỉ tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam (năm 2007, số trẻ thăm khám gấp 33 lần năm 2000; giai đoạn 2011 – 2015 có 15.524 lượt trẻ đến khám về tự kỉ; năm 2019 có 1 triệu người mắc tự kỉ, trong đó trẻ em chiếm 1%); đặc điểm ngôn ngữ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ (khả năng tiếp nhận và biểu đạt ngôn ngữ) thông qua các video sinh động về những trẻ em rối loạn phổ tự kỉ đang được điều trị phát triển vốn từ; sự phát triển vốn từ của trẻ em Việt Nam; so sánh số lượng từ giữa trẻ tự kỉ và trẻ bình thường (3 – 6 tuổi); biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ (5 nhóm biện pháp).
TS. Nguyễn Thị Giang chia sẻ tại buổi tọa đàm
Với kinh nghiệm trên 10 năm nghiên cứu về âm ngữ trị liệu, thực hành phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ tại các Trung tâm trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỉ, TS. Nguyễn Thị Giang tâm sự kinh nghiệm thực tế trong quá trình điều trị phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ: Khi cung cấp từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nên cho trẻ trải nghiệm hoặc cho trẻ chứng kiến thực tế để trẻ dễ tri giác hơn; cho trẻ quan sát hành động người khác làm, sau đó có thể cho trẻ trải nghiệm (đi, chơi, chạy, trèo); tạo tình huống và chờ đợi trẻ nói…
Sinh viên tham gia các tình huống giả định cùng diễn giả khách mời
Cũng tại buổi tọa đàm, sinh viên đã có những trao đổi cùng diễn giả để làm rõ hơn về nguyên nhân số lượng trẻ tự kỉ tăng lên trong những năm qua ở Việt Nam, biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ; sinh viên được thực hành phát triển vốn từ cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ.
PGS.TS Lê Thị Lan Anh, Trưởng khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu kết thúc buổi toạ đàm, PGS.TS Lê Thị Lan Anh, Trưởng khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả. PGS.TS Lê Thị Lan Anh hi vọng và mong muốn những kinh nghiệm chuyên gia đem tới buổi toạ đàm sẽ là hành trang quý báu cho các em trong quá trình học tập học phần Âm ngữ trị liệu và công việc tương lai.
PGS.TS. Lê Thị Lan Anh chụp ảnh lưu niệm cùng TS. Nguyễn Thị Giang
Buổi tọa đàm đã trở thành cầu nối quan trọng, truyền cảm hứng và thúc đẩy sinh viên tiếp tục khai phá những ứng dụng mới của ngôn ngữ học nhằm mang lại giá trị thiết thực cho xã hội.
Thứ Bảy, 10:29 30/11/2024
Copyright © 2022 Trường Ngoại ngữ - Du lịch || School of Languages and Tourism