Giới thiệu ngành Du lịch
Du lịch (Mã ngành 7810101) là ngành học thuộc khối ngành Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng, Dịch vụ cá nhân - khối ngành được mệnh danh là ngành “công nghiệp không khói” đang thu hút lượng lớn nguồn nhân lực. Trong những năm gần đây, khối ngành này thường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao - có năng lực, bằng cấp chuyên môn được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, năng lực quản trị và thuần thục kỹ năng nghề nghiệp.
Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành Du lịch đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế ngày càng lớn mạnh, năm 2019 cả nước có 2.667 doanh nghiệp so với 2005 có 428 doanh nghiệp. Về khách du lịch quốc tế, nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm. Khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Về tổng thu từ khách du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong khi năm 1990 đạt 1.340 tỷ đồng. Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Qua đó thấy được qui mô và sự phát triển của ngành trong giai đoạn tới.
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, nhưng theo số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đăng ký xét tuyển đại học- cao đẳng đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân trong đó có 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1 . Tuy nhiên với số lượng khoảng 20.000 sinh viên ra trường mỗi năm hiện nay chưa đủ để đáp ứng 50% nhu cầu nhân lực mới hàng năm của ngành.
Với thế mạnh và nhiều năm kinh nghiệm đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành du lịch – lữ hành, Khoa Du Lịch, Trường Ngoại ngữ - Du lịch thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang từng bước khẳng định thương hiệu trong đào tạo ngành Du lịch.
1. Mục tiêu đào tạo
- Mục tiêu chung:
Đào tạo cử nhân ngành Du lịch có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Đào tạo người học có sức khỏe và đạo đức tốt, có phẩm chất chính trị, có ý thức phục vụ nhân dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp thành thạo để công tác trong lĩnh vực du lịch; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành du lịch, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường và xã hội.
- Mục tiêu cụ thể (PEO)
+ PEO 1: Có sức khỏe và đạo đức tốt, có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức phục vụ nhân dân, tuân thủ các quy định của nhà nước và pháp luật, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
+ PEO2: Có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, kiến thức chuyên sâu về du lịch.
+ PEO 3: Có kĩ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học, hướng dẫn du lịch và lữ hành để học tập, làm việc trong ngành Du lịch với sự cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
+ PEO 4: Có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành du lịch, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường và xã hội.
Sinh viên Khoa Du lịch tham gia chương trình tham quan học tập thực tế “Hành trình di sản miền Trung”
2. Vị trí việc làm phù hợp
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhận các vị trí công tác sau:
- Thuyết minh viên du lịch.
- Hướng dẫn viên du lịch.
- Quản lý đoàn khách (team leader).
- Nhân viên marketing du lịch.
- Điều hành chương trình du lịch.
- Chuyên viên, cán bộ quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước.
- Đơn vị sự nghiệp có liên quan đến du lịch và lữ hành, Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Tổng cục du lịch, Vụ lữ hành, Sở du lịch, Viện nghiên cứu và phát triển du lịch.
- Giảng viên; Nghiên cứu viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở nghiên cứu liên quan tới các lĩnh vực du lịch và lữ hành.
- Nhà sáng lập; Nhà đầu tư các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế.
3. Đối tượng người học phù hợp với ngành Du lịch
- Đam mê, yêu thích khối ngành dịch vụ, du lịch, lữ hành;
- Yêu thích môi trường làm việc năng động, linh hoạt;
- Có sức khỏe, kỹ năng quan sát và khả năng kiểm soát cảm xúc tốt;
- Mong muốn có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng ứng xử văn minh đặc biệt, chuyên nghiệp trong môi trường du lịch và lữ hành;
- Linh hoạt trong công việc và trong xử lý các tình huống;
- Có tinh thần, thái độ sẵn lòng phục vụ.
4. Quyền lợi của người học ngành Du lịch thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Được học tập, nghiên cứu về địa lý du lịch, văn hóa, khoa học quản lý, di tích, danh thắng, văn hóa Việt Nam và nhiều địa danh trên Thế giới,…
- Được đào tạo về cách tư vấn và bán sản phẩm du lịch, tâm lý du khách và hành vi tiêu dùng du lịch…
- Được đào tạo bài bản các kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản lý sự kiện du lịch.
- Có cơ hội được thực tập và làm việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp về du lịch nội địa và quốc tế…
- Có khả năng hướng dẫn du lịch từng điểm, hướng dẫn du lịch trên tuyến hoặc chuyên biệt; thiết kế chương trình du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; tư vấn các sản phẩm du lịch; quản lý và giám sát đoàn khách theo chương trình du lịch.
- Nghiên cứu và ứng dụng các công trình khoa học trong lĩnh vực du lịch; nhận biết tâm lý; tham gia và phát triển nhóm; mở rộng liên kết với các đối tác, thực hiện chức năng của một thành viên để phát triển nghề nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.
- Có khả năng giao tiếp hiệu quả, đạt trình độ tiếng anh cần thiết để phục vụ tốt cho công việc và hội nhập Quốc tế
- Được trang bị đầy đủ các kiến thức khối ngành, kiến thức cơ sở ngành giúp sinh viên dễ dàng học lên thạc sĩ hoặc học thêm các chứng chỉ khác để hoạt động nghề nghiệp đa dạng trong các ngành thuộc khối ngành du lịch.
- Được tham gia các chuyến tham quan học tập thực tế: Hành trình di sản miền Trung; Tham quan tuyến điểm du lịch: Hạ Long, Ninh Bình; Thực hành hướng dẫn du lịch tại điểm: Cụm di tích Hồ Tây, Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu Quốc Tử Giám; Thực hành hướng dẫn du lịch trên tuyến Hành trình di sản miền Trung; Thực hành hướng dẫn du lịch chuyên biệt tại Sapa, Ninh Bình…
- Được tham gia thực hành tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa.
- Được hưởng các chế độ ưu đãi dành cho người học theo quy chế của Trường Đại học công lập.
- Được tạo điều kiện và hỗ trợ vay vốn học tập.
- Được tham gia các hoạt động, sự kiện sôi nổi của Khoa, của Trường, các câu lạc bộ học thuật như: Câu lạc bộ truyền thông và sự kiện; Câu lạc bộ nghệ thuật; Câu lạc bộ Du lịch Trải nghiệm (TEC); Câu lạc bộ MC và HDV,…
Thứ Năm, 16:45 20/04/2023
Copyright © 2022 Trường Ngoại ngữ - Du lịch || School of Languages and Tourism